Lượt xem: 310

Sóc Trăng triển khai nhiều giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp

Nông sản nói chung và trái cây nói riêng do còn phụ thuộc nhiều vào tính mùa vụ nên thường xuyên gặp áp lực về đầu ra khi thu hoạch, đặc biệt là thời điểm thu hoạch rộ. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp có thời gian bảo quản khá ngắn nên chưa đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng, vì vậy sản lượng tiêu thụ trên thị trường còn khá hạn chế. Từ sức ép này, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã hình thành nhiều mặt hàng chế biến sâu từ nông sản sẵn có tại địa phương, đồng thời thay đổi hình thức tiêu thụ nhằm khai thác tối đa giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

 


Sản phẩm sầu riêng cấp đông xuất khẩu

 

    Sóc Trăng là một trong những tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển nông nghiệp đa dạng như trồng lúa, cây ăn trái nhiệt đới… Các vùng  thích hợp phát triển nhiều loại cây ăn trái phân bố chủ yếu tại các huyện: Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Châu Thành, thị xã Ngã Năm, Cù Lao Dung, thị xã Vĩnh Châu. Các loại cây ăn trái của Sóc Trăng bao gồm bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn, xoài cát chu, nhãn, mãng cầu xiêm, vú sữa… Trong những năm gần đây, mãng cầu xiêm dần trở thành cây ăn trái đặc sản của tỉnh Sóc Trăng với diện tích gần 300 ha. Do đặc tính của trái mãng cầu xiêm là rất nhanh hỏng khi trái đạt độ chín, vì vậy việc bảo quản và vận chuyển trái mãng cầu xiêm chín là một việc rất khó khăn và tốn kém. Từ trở ngại này, ngoài bán trái tươi, nhiều nhà vườn đã nghiên cứu việc chế biến ra nhiều loại sản phẩm từ mãng cầu xiêm với đa dạng nhiều mặt hàng, như: Trà mãng cầu, mứt mãng cầu, rượu mãng cầu, bánh quy nhân mãng cầu… Việc chế biến nhiều sản phẩm từ trái mãng cầu tươi  đã giúp trái mãng cầu xiêm nâng cao được giá trị gia tăng và mở rộng được thị trường tiêu thụ trong nước. Các sản phẩm chế biến đều có hạn sử dụng rất dài, góp phần giải quyết được tình trạng mau chín, dễ hỏng của trái mãng cầu, góp phần cải thiện doanh thu và nâng cao lợi nhuận kinh tế cho nhiều nhà vườn. Anh Lê Bảo Xuyên - Chủ cơ sở, hộ kinh doanh Ngọc Trân ở thị xã Ngã Năm, một trong những nhà vườn thành công với sản phẩm chế biến từ trái mãng cầu chia sẻ: “Đối với cơ sở Ngọc Trân hiện đang sản xuất 2 sản phẩm chính là trà mãng cầu và mứt mãng cầu. Nếu thời gian đầu, sản phẩm chỉ tiêu thụ chủ yếu ở trong tỉnh hoặc các tỉnh lân cận trong khu vực, thì hiện nay đã mở rộng ra thị trường các tỉnh miền Trung và miền Bắc. So với khi mình bán trái tươi thì việc bán sản phẩm đã qua chế biến giúp tăng lợi nhuận lên khoảng 30%. Quan trọng là giải quyết được tình trạng ùn ứ trái khi đến mùa thu hoạch rộ…”.

    Bên cạnh tăng cường chế biến nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh còn thay đổi hình thức tiêu thụ, đầu tư trang thiết bị, máy móc tân tiến để kéo dài thời gian bảo quản thông qua việc hình thành sản phẩm trái cây cấp đông phục vụ xuất khẩu, tiêu biểu như Công ty TNHH Cẩm Thiều ở Khóm 3,  Phường 1, thị xã Ngã Năm. Từ sản phẩm khởi nghiệp đầu tiên là trà mãng cầu, nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu dùng đối với các sản phẩm trái cây có thời gian bảo quản lâu, công ty đã nghiên cứu về quy trình cấp đông, đầu tư nâng cấp nhà xưởng với nhiều trang thiết bị hiện đại, qua đó hình thành thêm các mặt hàng trái cây đông lạnh, như: Xoài, mít, sầu riêng… Hiểu rõ yêu cầu ngày càng cao của thị trường về sản phẩm sạch, tất cả nguồn nguyên liệu đầu vào được cơ sở nhập về từ những vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Sản phẩm trước khi được đưa vào khu vực cấp đông đều được cơ sở tiến hành chọn lọc kỹ càng về trọng lượng, độ chín… Anh Dương Minh Trung - Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Thiều cho biết thêm: “Thời gian bảo quản đối với hàng đông lạnh sẽ lâu hơn so với hàng tươi, nếu được bảo quản đúng nhiệt độ thì có thể kéo dài thời gian bảo quản gần 2 năm, vì vậy mà thị trường nhập khẩu họ rất ưa chuộng các sản phẩm đông lạnh, đặc biệt là các mặt hàng từ nông sản. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chính của công ty chủ yếu là các đơn hàng đi Mỹ, Nhật, Hàn Quốc”.

    Trong xu thế cạnh tranh ngày càng gắt gao về tiêu thụ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, tăng cường chế biến sâu để tránh tình trạng ùn ứ nông sản vào cao điểm thu hoạch, hay thực hiện  quy trình cấp đông để kéo dài thời gian bảo quản, sử dụng... được xem là giải pháp cấp thiết để  mang đến một giá trị mới cho sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, góp phần duy trì thu nhập ổn định cho người dân nông thôn vốn sinh kế phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 12 công ty chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu; 05 công ty chế biến rau quả xuất khẩu; 03 doanh nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu; 33 nhà máy, cơ sở xay xát chế biến lúa gạo và các sản phẩm từ gạo và 300 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản nhỏ lẻ. Nhìn chung, các nhà máy chế biến xuất khẩu có sự đầu tư tốt về công nghệ và máy móc hiện đại, riêng các cơ sở nhỏ lẻ đa số kinh doanh dưới hình thức hộ gia đình nên còn manh mún, sản xuất chưa tập trung, chủ yếu còn sử dụng phương pháp thủ công truyền thống nên năng suất thấp, giá thành cao, sản phẩm vì vậy chưa có sự cạnh tranh cao trên thị trường ngoài tỉnh. Đồng chí Trần Ngọc Tùng - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: “Với khó khăn đó, nhằm nâng cao năng suất cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 05 tháng 7 năm 2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17 tháng 4 năm 2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Để cụ thể hoá các nghị định này, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành ngày 10/7/2019 về Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành ngày 10/7/2019 về Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; để xây dựng chính sách hỗ trợ trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết. Để đưa các nghị quyết trên vào thực tiễn đời sống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng các dự án, đề án như: Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản, Đề án phát triển lúa đặc sản, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ... nhằm góp phần thúc đẩy sơ chế, chế biến, tiến đến đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh”.


Chế biến sản phẩm trà mãng cầu

 

    Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Sóc Trăng đã hình thành nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ rau củ và trái cây các loại. Dù vậy, tại Sóc Trăng, kim ngạch xuất khẩu đối với sản phẩm nông nghiệp, phần lớn là từ con tôm. Thiết nghĩ rằng, để nâng cao giá trị nông sản và tăng kim ngạch xuất khẩu cho các nông sản còn lại thì việc đầu tư vào chế biến nông sản là vô cùng cần thiết. Việc chế biến sâu các mặt hàng nông sản cần được đầu tư với quy mô công nghiệp lớn hơn và liên kết chuỗi giá trị với các vùng sản xuất tập trung nhằm giúp sản phẩm nông sản của tỉnh được nâng lên một tầm cao mới.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 40
  • Hôm nay: 8317
  • Trong tuần: 79,024
  • Tất cả: 11,802,344